Nghiên cứu so sánh kiểm toán nội bộ của Cộng hòa Liên bang Đức và Trung Quốc.

Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống kiểm toán nội bộ của Cộng hòa liên bang Đức và Trung Quốc, bài viết đi sâu vào việc nghiên cứu so sánh để khai thác một số điểm khác biệt của hệ thống kiểm toán nội bộ của hai quốc gia này trên 5 khía cạnh chính

Mặc dù kiểm toán nội bộ đã và đang trở thành một trong các chức năng và thủ tục quan trọng nhất đối với kiểm soát nội bộ trong hoạt động tài chính thông thường của các đơn vị, nhưng tại các quốc gia khác nhau, với trình độ phát triển kinh tế khác nhau (quốc gia phát triển và đang phát triển), các quy định về quản lý khác nhau, truyền thống văn hóa-xã hội khác nhau thì hệ thống kiểm toán nội bộ cũng như phương pháp tiến hành loại hình kiểm toán này cũng sẽ khác nhau. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống kiểm toán nội bộ của Cộng hòa liên bang Đức và Trung Quốc, bài viết đi sâu vào việc nghiên cứu so sánh để khai thác một số điểm khác biệt của hệ thống kiểm toán nội bộ của hai quốc gia này trên 5 khía cạnh chính sau:

(1) Sự hình thành và phát triển kiểm toán nội bộ
(2) Cấu trúc của hệ thống kiểm toán nội bộ
(3) Mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ của các đơn vị với cơ quan chính phủ
(4) Trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của kiểm toán nội bộ
(5) Chất lượng kiểm toán viên nội bộ

Đồng thời bài viết cũng đưa ra một số gợi ý cho việc cải thiện hệ thống kiểm toán nội bộ của VN trong tương lai.

1. Sự hình thành và phát triển của kiểm toán nội bộ

Ở Trung Quốc, sự hình thành và phát triển của hệ thống kiểm toán nội bộ được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và việc thực hiện các chính sách quản lý của Chính phủ (Jou, 1997). Tháng 8 năm 1983, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã tiến hành trưng cầu ý kiến và thông qua Yêu cầu ban hành một số vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm toán của Cơ quan KTNN Trung Quốc về việc thực hiện các hoạt động kiểm toán trên cơ sở thiết lập các bộ phận kiểm toán nội bộ trong các phòng, ban nhằm thực hiện sự lãnh đạo thống nhất của các công ty con hoặc với nhiều công ty con, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 1987, Hội Kiểm toán viên độc lập của Trung Quốc đã được thành lập và tham gia vào Hội Kiểm toán viên Quốc tế vào tháng 12 năm đó. Năm 1988, Hội đồng Nhà nước ban hành các chuẩn mực kiểm toán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó, Chương VI có quy định về việc thiết lập và trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ, cũng như mối quan hệ giữa bộ phận kiểm toán nội bộ với các cơ quan kiểm toán của chính phủ trong công tác kiểm toán nội bộ. Năm 1994, Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã ban hành Luật Kiểm toán, và trong đó cũng xác định vị trí pháp lý của kiểm toán nội bộ. Năm 1995, Cơ quan Kiểm toán nhà nước Trung Quốc đã ban hành các Quy định về Kiểm toán nội bộ, nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc về kiểm toán nội bộ. Năm 2003, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc đã chính thức áp dụng các quy định này đối với hoạt động kiểm toán nội bộ, trong đó có điều chỉnh một số quy định đã ban hành năm 1994. Trên cơ sở đó, số lượng kiểm toán viên nội bộ đã tăng lên một cách đáng kể từ năm 1987, và đã có hơn 10 trung tâm được thành lập để kiểm tra trình độ của các KTV nội bộ (CIA- Chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ). Đến cuối năm 2001, tại Trung Quốc đã có khoảng 76.000 bộ phận kiểm toán nội bộ với 193.000 KTV có chứng chỉ hành nghề.

Ở Đức, sự hình thành và phát triển của hoạt động kiểm toán nội bộ là sản phẩm của sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và việc thay đổi các mục tiêu của kiểm toán nội bộ (Wang, 2003). Văn phòng kiểm toán nội bộ hiện đại đầu tiên của Đức được thành lập tại Công ty Friendrich Krupp vào năm 1875. Hoạt động kiểm toán nội bộ phát triển nhanh chóng tại Đứac trong khoảng 60 năm nửa sau thế kỷ XX. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu của kiểm toán nội bộ ở Đức là nhằm kiểm tra sai sót và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ cấu của các doanh nghiệp kinh doanh trở nên phức tạp hơn, và yêu cầu đặt ra là phải tăng cường kiểm soát nội bộ và hoạt động quản lý. Do đó, mục tiêu của kiểm toán nội bộ đã phải thay đổi để nâng cao lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp. Các KTV nội bộ không chỉ là thành viên của ban quản lý mà còn là những người bảo vệ doanh nghiệp. Hiện nay, ở Đức số lượng KTV có chứng chỉ hành nghề trong các bộ phận kiểm toán nội bộ đã lên tới khoảng 50.000 người.

2. Cấu trúc của hệ thống kiểm toán nội bộ.

Dựa vào tình hình thế giới có nhiều thay đổi như hiện nay, đã có xuất hiện 3 dạng cấu trúc khác nhau về việc hình thành bộ phận kiểm toán nội bộ trong 1 doanh nghiệp kinh doanh. Trong cấu trúc thứ nhất, bộ phận kiểm toán nội bộ được thiết lập song song với Ban Giám đốc và chịu sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo ủy ban giám sát. Trong cấu trúc thứ hai, bộ phận kiểm toán nội bộ được thiết lập song song với các phòng ban khác trong doanh nghiệp và chịu sự quản lý của Ban Giám đốc. Cuối cùng, trong cấu trúc thứ ba, bộ phận kiểm toán nội bộ được thiết lập ở bên trong bộ phận tài chính, vì hoạt động kiểm toán nội bộ là một trong những chức năng quan trọng của bộ phận tài chính. Theo cấu trúc thứ nhất, các KTV nội bộ có sự độc lập tương đối trong suốt quá trình kiểm toán bởi vì bộ phận kiểm toán được thiết lập và hoạt động mà không có sự can thiệp từ bên ngoài cũng như không chịu bất kỳ tác động nào từ các phòng, ban khác trong doanh nghiệp. Theo cấu trúc thứ hai, tính độc lập của các KTV nội bộ cũng có giới hạn và bộ phận kiểm toán nội bộ gặp khó khăn khi tiến hành kiểm toán các phòng, ban khác cùng cấp. Theo cấu trúc thứ ba, hiển nhiên là các KTV nội bộ sẽ khó mà giữ được sự độc lập trong quá trình kiểm toán vì phòng tài chính có chức năng giám sát tài chính với các bộ phận trực thuộc cũng như các phòng, ban khác và kiểm toán nội bộ cũng chỉ là một chức năng của phòng tài chính.

Ở Trung Quốc, tất cả các bộ phận kiểm toán nội bộ được cơ cấu vào các doanh nghiệp kinh doanh theo hai hình thức hoặc là cấu trúc thứ hai hoặc thứ ba. Còn ở Đức, tất cả các bộ phận kiểm toán nội bộ được thiết lập dựa trên cấu trúc thứ nhất. Như vậy, có thể nói, trong suốt quá trình kiểm toán, các bộ phận kiểm toán nội bộ ở Đức giữ được tính độc lập cao hơn so với ở Trung Quốc.

3. Mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ và Chính phủ

Ở Trung Quốc, các bộ phận kiểm toán nội bộ tại các cơ quan thuộc Chính phủ có mối quan hệ mật thiết với cơ quan ban hành quy định của Chính phủ. Tất cả các bộ phận kiểm toán nội bộ thuộc doanh nghiệp được thành lập theo hướng dẫn hành chính của chính phủ. Chuẩn mực số 29 của Luật Kiểm toán Trung Quốc quy định việc thành lập các bộ phận kiểm toán nội bộ, và các bộ phận kiểm toán nội bộ trong các cơ quan thuộc chính phủ phải được hướng dẫn và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương. Chuẩn mực này làm rõ mối quan hệ giữa bộ phận kiểm toán nội bộ thuộc doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán chính phủ, đồng thời không quy định các nguyên tắc cứng nhắc đối với việc thành lập các chức năng kiểm toán nội bộ và cho phép có sự khác biệt giữa bộ phận kiểm toán nội bộ thuộc doanh nghiệp với các đơn vị kiểm toán thuộc chính phủ (Jou, 1997; Cai, 1997)
Ngược lại, ở Đức không có điều luật hoặc quy định nào về việc thành lập các bộ phận kiểm toán nội bộ. Các bộ phận kiểm toán nội bộ được thiết lập theo cơ chế tự giác của các doanh nghiệp, và bộ phận này trong các doanh nghiệp kinh doanh sẽ không chịu sự giám sát của chính quyền địa phương (He, 2001). Trên thực tế, Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ của Đức có chức năng làm cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn. Thông qua việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán, Hội kiểm toán nội bộ của Đức thực hiện chức năng trao đổi kinh nghiệm kiểm toán, truyền đạt các thông điệp kiểm toán, xây dựng các lý thuyết liên quan đến hoạt động kiểm toán và hướng dẫn thực hành kiểm toán nội bộ.

4. Trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và nội dung của kiểm toán nội bộ.

Khoản 9 trong Quy định về Kiểm toán nội bộ do Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc ban hành đã quy định trách nhiệm của các KTV nội bộ như sau:

(1) KTV nội bộ phải thực hiện kiểm toán các hoạt động kinh tế về thu-chi tài chính công, thu-chi tài chính của các doanh nghiệp cũng như các đơn vị thuộc và trực thuộc doanh nghiệp;

(2) Thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách;

(3) Kiểm toán trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo trong suốt nhiệm kỳ công tác của họ;

(4) Kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng;

(5) Kiểm tra và đánh giá tính hợp lý và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và việc quản lý rủi ro của đơn vị;

(6) Thực hiện kiểm toán hoạt động;

(7) Thực hiện các công việc kiểm toán khác theo yêu cầu và quy định của pháp luật.

Từ các chuẩn mực được liệt kê ở trên, có thể thấy rằng các hệ thống kiểm toán nội bộ của Trung Quốc tập trung vào kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ – một chức năng đơn lẻ. Do đó, kiểm toán nội bộ của Trung Quốc chỉ nhấn mạnh chức năng giám sát, kiểm tra việc vi phạm các nguyên tắc và quy định, mà không quan tâm đến việc làm thế nào để tăng cường khả năng quản lý hoặc nâng cao hiệu quả phục vụ nhằm giúp ban quản lý của doanh nghiệp ra các quyết định quan trọng.

Ở Đức, trách nhiệm của kiểm toán viên nội bộ bao gồm:

(1) Xác định xem liệu hệ thống kiểm soát và giám sát nội bộ có hợp lý và hiệu quả không;

(2) Đánh giá lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp;

(3) Đám giá xem liệu luật pháp và các quy định có được tuân thủ hay không (Wang, 1999).

Ngoài ra, các kiểm toán viên nội bộ cũng phải cung cấp các dịch vụ như tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị nhằm nâng cao hoạt động và giúp họ giải quyết các vấn đề. Các hệ thống kiểm toán quản lý và kiểm toán hoạt động – các chức năng phức tạp hơn bao gồm cả việc giám sát và cung ứng dịch vụ.

5. Chất lượng kiểm toán viên nội bộ

Ở Trung Quốc, số lượng và chất lượng kiểm toán viên nội bộ còn thiếu và chưa thỏa mãn được các yêu cầu thực tế. Nhiều kiểm toán viên nội bộ hiện tại của Trung Quốc không được đào tạo chính quy ở bậc đại học chỉ được đào tạo sơ bộ để đáp ứng công cuộc cải cách kinh tế vào những năm 1980, do đó, thiếu các khóa đào tạo nghề nghiệp cần thiết. Mặc dù nhiều kiểm toán viên trẻ đã tham gia các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, nhương phần lớn trong số họ mới tốt nghiệp đại học và chỉ được đào tạo về nghiệp vụ kiểm toán.

Ngược lại, tại Đức, hầu hết các kiểm toán viên nội bộ đã được đào tạo chính quy ở bậc đại học và họ cũng có thể nói được một hoặc hai ngôn ngữ nước ngoài, đồng thời sử dụng vi tính rất thành thạo để phục vụ cho hoạt động kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ của Đức được đào tạo với nhiều lĩnh vực khác nhau như: kế toán, kiểm toán, quản lý tài chính, kinh tế học, quản trị kinh doanh, kỹ sư, công nghệ thông tin, luật, v.v. Đặc biệt hơn đó là Hội Kiểm toán viên nội bộ của Đức cũng ban hành hơn 120 chuyên đề nghiên cứu thường niên nhằm truyền đạt kinh nghiệm kiểm toán giữa các kiểm toán viên nội bộ (Wang, 2003).

Với 5 khía cạnh được sử dụng để so sánh hoạt động kiểm toán nội bộ của Trung Quốc và Đức đó là:

(1) Sự hình thành và phát triển kiểm toán nội bộ;
(2) Cấu trúc của hệ thống kiểm toán nội bộ;
(3) Mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ của các đơn vị với cơ quan chính phủ;
(4) Trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của kiểm toán nội bộ;
(5) Chất lượng kiểm toán viên nội bộ;

Chúng ta có thể thấy rằng với trình độ phát triển kinh tế khác nhau, các quy định về quản lý khác nhau, truyền thống văn hóa – xã hội khác nhau thì hoạt động kiểm toán nội bộ ở các quốc gia khác nhau cũng sẽ khác nhau rất nhiều.

Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra mộ số gợi ý cho hoạt động kiểm toán nội bộ của Việt Nam và hy vọng với việc thực hiện các gợi ý này sẽ giúp nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ của Việt Nam.

Thứ nhất, cần tăng cường tính độc lập của kiểm toán nội bộ. Tính độc lập này được thể hiện trên thực tế đó là bộ phận kiểm toán nội bộ cần phải được thiết lập mà không chịu sự can thiệp và tác động của các bộ phận khác. Bộ phận kiểm toán nội bộ phải có khả năng đưa ra các ý kiến và quyết định độc lập trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ cuộc kiểm toán. Ở Trung Quốc, vì bộ phận kiểm toán nội bộ có mối quan hệ mật hiết với chính phủ và nó được cơ cấu đồng cấp với các bộ phận khác hoặc được thiết lập bên trong bộ phận tài chính, nên hoạt động kiểm toán không có sự độc lập nhất định với các quyết định của mình. Từ kinh nghiệm đó, kiểm toán nội bộ phải được thiết lập theo cách thức mà chỉ chịu sự giám sát của Ban Giám đốc, còn hoạt động của nhân sự trong bộ phận kiểm toán nội bộ cần phải được luân phiên và tái phân công nhiệm vụ một cách thường xuyên.

Thứ hai, nâng cao chất lượng kiểm toán viên nội bộ. Theo kinh nghiệm của Đức, Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam cần ban hành các chuyên đề nghiên cứu nhằm truyền đạt kinh nghiệm kiểm toán cho các kiểm toán viên nội bộ. Mặt khác, tất cả các kiểm toán viên nội bộ phải trải qua các kỳ thi sát hạch chuyên môn nghiệp vụ và việc tuyển dụng các kiểm toán viên nội bộ tương lai cần phải được mở rộng sang tất cả các lĩnh vực chuyên môn có liên quan.

Thứ ba, đa dạng hóa nhiệm vụ của kiểm toán viên nội bộ. Theo kinh nghiệm của Đức và xu thế phát triển kiểm toán viên nội bộ thế giới, nhiệm vụ kiểm toán nội bộ của Việt Nam cần bao gồm hoạt động giám sát và cung ứng các dịch vụ chuyên môn cho các đơn vị, tập trung hơn nữa vào kiểm toán lợi kinh tế. Nhiệm vụ này sẽ giúp nâng cao lợi ích kinh tế của các đơn vị cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Thứ tư, tăng cường áp dụng công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán nội bộ. Vì kiểm toán viên nội bộ cần phải xử lý rất nhiều dữ liệu tài chính nên việc áp dụng các thủ tục, quy trình kiểm toán mới cũng như công nghệ mới để thực hiện chọn mẫu, nghiên cứu khả thi và kiểm toán máy là hết sức cần thiết.

Kiểm toán trẻ

Nhãn: , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

Bình luận về bài viết này